Chuyển sang sử dụng mã nguồn mở (opensource migration) là chuyện chẳng có gì mới, "biết rồi khổ lắm...", nhưng thực tế tỉ lệ thành công ở VN là (rất) thấp. Có mấy lý do "duy ý chí" khiến việc chuyển sang nguồn mở thất bại khi còn trên ... dự án:
- Qúa chú trọng vào phần hệ điều hành: chăm chăm thay thế Windows trong vẫn khó khăn không biết lựa chọn bản Linux nào dành cho người dùng, chi phí để chuyển đổi, huấn luyện người dùng là chưa thể ước tính.
- Quá chú trọng vào phần Việt hóa: đa số các dự án Việt hóa phần mềm nguồn mở không đến được với người dùng, lý do đối tượng sử dụng máy tính phần lớn là dân (ngày càng) có trình độ quen thuộc với bản tiếng Anh, các dự án Việt hóa lại rất dở dang, không cập nhật thường xuyên, thuật ngữ không chuẩn.
- Thiếu đào tạo, huấn luyện: đây là nguyên nhân chính khiến người dùng "ngoảnh mặt" với nguồn mở, không được huấn luyện, hướng dẫn với một phần mềm mới trong khi "đồ chùa" vẫn xài được nên không không ai muốn tự đầu tư thời gian để sử dụng phần mềm mới. Nhân viên khi vào làm việc ở bất kỳ công ty nào cũng phải biết sử dụng MS Office và sẽ không có công ty nào dạy lại cả. OpenOffice thì khác, họ muốn phải được "hướng dẫn trước khi dùng", đó cũng là điều hợp lý. Đặc biệt đối với các bộ phận phi kỹ thuật như nhân sự không huấn luyện thì cầm chắc họ không thể làm được.
- Thiếu ủng hộ, cam kết từ cấp lãnh đạo: nghe thì tưởng dễ nhưng không đơn giản. Lãnh đạo gật đầu nhưng cứ nghĩ nguồn mở là không phải tốn tiến thế nên chi phí cho đào tạo, nghiên cứu, triển khai không được cam kết. Dù khẳng định phải chuyển sang nguồn mở, bắt buộc nhân viên sử dụng nhưng khi yêu cầu công việc lại "làm lơ" để tiếp tục sử dụng phần mềm cũ, hiệu quả rõ ràng là nửa vời.
- Thiếu thời gian: không thể nhấn nút là mọi thứ sẽ thay đổi ngay, cần phải có thời gian để phần mềm nguồn mở "thấm" vào được người dùng. Thực tế, dự án chuyển đổi khó thành công dưới một năm, chưa kể nhân viên còn phải lo hoàn thành mục tiêu công việc, các dự án khác có ưu tiên cao hơn như ISO, CMMI sẵn sàng chen ngang.
Dưới đây là một số kinh nghiệm triển khai và ứng dụng phần mềm nguồn mở trong doanh nghiệp sản xuất phần mềm, dù chưa đạt mục tiêu đề ra nhưng cũng có thể được dùng để tham khảo:
- Chuyển các phần mềm máy chủ sang nguồn mở: việc này đã được thực hiện khá tốt và rộng khắp, LAMP hiện khá phổ biến. Việc thay thế Active Directory Domain Controller khó khăn hơn khi Samba chưa theo kịp để tương thích và thay thế Windows 2003 AD hiện đã được sử dụng rộng rãi.
- Triển khai OpenOffice: cài đặt OpenOffice song song với MS Office để người dùng làm quen, dần sử dụng các tài liệu theo chuẩn Open Document. Thay thế được bộ MS Office đã là một thành công (và có khả năng hiện thực lớn) vì tính phổ dụng của nó trong công việc hàng ngày của doanh nghiệp cũng như giá không phải là ít. Cho đến thời điểm này vẫn chưa có phần mềm nào thay thế được MS Outlook, ứng cử viên sáng là Evolution vẫn chưa đủ ổn định để sử dụng trên Windows.
- Thay thế các tiện ích phổ dụng bằng phần mềm nguồn mở: thay Winzip bằng IZArc (7-zip), Lạc Việt MTD bằng Stardict, IE bằng Firefox, ...
- Đào tạo, huấn luyện sử dụng các phần mềm nguồn mở: cần có các khá huấn luyện ngắn cho người dùng đối với bộ OpenOffice hay Evolution.
- Chuyển những người không nhất thiết phải sử dụng Windows sang dùng Linux: cần phải khẳng định ngay từ đầu mục tiêu không phải là thay thế hoàn toàn Windows bằng Linux vì sẽ không thực tế. Những người không nhất thiết phải sử dụng Windows sẽ được lên danh sách để chuyển sang dùng Linux. Phiên bản Linux cho người dùng nên tương đối đơn giản, được hỗ trợ mạnh như Fedora Core hay Ubuntu.
- Đội ngũ hỗ trợ phải sẵn sàng và đi trước một bước: người dùng sẽ mất niềm tin và phương hướng nếu trục trặc với phần mềm mới không được giải quyết kịp thời.
- Thời gian triển khai: tối thiểu là một năm. Thực tế cho thấy dự án chuyển sang nguồn mở có thể kéo dài hơn hai năm mà kết quả vẫn rất khiêm tốn.
No comments:
Post a Comment